XDay 19 Hà Nội: Sinh viên FUNiX khám phá đường đến Google | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

XDay 19 Hà Nội: Sinh viên FUNiX khám phá đường đến Google

Tin tức 03/07/2017

Câu chuyện tại Google của nhiều bạn trẻ Việt Nam đã được anh Nguyễn Thành Nhân – cựu chuyên gia công nghệ Google Research chia sẻ cởi mở với các bạn sinh viên Đại học trực tuyến FUNiX vào ngày chủ nhật 2/7.

Sức hút của khách mời Nguyễn Thành Nhân đã khiến xDay 19 có nhiều bạn sinh viên trẻ tham gia, nhiều bạn 10x đến cùng với bố mẹ, có cả các bác “sinh viên” 5x, 6x, có bạn lặn lội từ tận Hà Tĩnh tới dự..

Chuyên gia công nghệ lớp 3 vẫn… chưa biết chữ

Chia sẻ với các bạn sinh viên FUNiX về con đường học tập của mình, anh Thành Nhân hóm hỉnh kể lại, anh từng là cậu học sinh bị than phiền nhiều. Đến lớp 3, anh vẫn hoàn toàn chưa biết chữ.  Bí quyết để anh có thể lên lớp trót lọt được mà cô giáo không phát hiện, là… học thuộc lòng nguyên quyển sách tập đọc.

Diễn giả Nguyễn Thành Nhân tại chương trình.
Diễn giả Nguyễn Thành Nhân tại chương trình.

Lên Đại học, xác định sẽ không hề học tiếng Anh mà lựa chọn sẽ chỉ học Toán. Với những thành tích xuất sắc trong môn Toán, chàng trai trẻ Nguyễn Thành Nhân đã rất tự tin rằng mình “giỏi”. Tuy nhiên, anh bị từ chối thẳng thừng khi ứng tuyển vào Câu lạc bộ Tài năng trẻ FPT (FYT), hay cũng bị “loại” khi ứng tuyển vào trường đại học top 1 ở Canada với câu trả lời lịch sự đều là vì “không có tài năng (Talent – chữ của anh Nguyễn Thành Nhân – PV)”. Thay vào đó, anh học Đại học  Simon Fraser (SFU) – “Chỉ là một trường làng với xếp hạng khá mờ nhạt” – anh Thành Nhân tâm sự.

Để đến với Google, “cậu bé trường làng” Thành Nhân đã phải cố gắng, nỗ lực và rèn luyện không ngừng. “Điểm cốt yếu ở đây không phải là chuyện bạn sẽ làm việc đó giỏi hay dốt, mà là bạn phải nghĩ mình luôn luôn phát triển được” – anh nói.

Bí quyết được Google lựa chọn

Anh Thành Nhân giao lưu với các xter FUNiX
Anh Thành Nhân giao lưu với các xter FUNiX

Chia sẻ câu chuyện làm thế nào để được Google nhận vào thực tập, anh  Nhân cho biết, hàng ngày có hơn 5000 đơn xin thực tập từ khắp nơi gửi đến công ty có thương hiệu thuộc hàng mạnh nhất hành tinh. Với số lượng khổng lồ như vậy, hầu như chỉ có máy đọc và “quét” những thuông tin nổi bật có trong hồ sơ của ứng viên. Khả năng những ứng viên “trường làng” như anh của hơn 10 năm trước đây được bộ máy ấy lựa chọn sau sàng lọc có sác xuất gần như bằng 0.

Bí quyết để được Google chú ý, tăng khả năng được chọn, chính là cần phải có người – giới thiệu bạn. Nếu được một nhân viên Google giới thiệu, cơ hội sẽ tăng lên rất nhiều. Bản thân anh Nhân đã thử nghiệm điều này.

“Có lần, tôi hỏi trên facebook cá nhân, rằng có bạn trẻ nào muốn được tôi giới thiệu vào thực tập ở Google. Đáp lại, có khoảng 71 CV gửi đến, tôi đã phải thức đến gần 3 giờ sáng để viết thư giới thiệu. Kết quả 15 trong số các bạn ấy đã được nhận – một con số đáng kể” – anh Nhân kể lại.

Theo cựu chuyên gia Google, để vào thực tập và làm việc tại đây không quá khó. Nhiều sinh viên trường “làng” như anh cũng đã làm được điều đó. Ở Việt Nam, nhiều nhóm bạn học cùng trường Đại học như ĐH Khoa Học Tự nhiên – ĐH Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh đã từng nắm tay nhau cùng đến Google thực tập và có người đã được quay trở lại tiếp tục thực tập, làm việc tại đây với năng lực được công nhận. Khi tìm hiểu, anh được biết các bạn đã được các thầy tại đây “luyện” theo kiểu “gà chọi” như thế này: ngoài kỹ năng chuyên môn bắt buộc phải có (tư duy logic, toán, kiến thức phần mềm), các bạn tiềm năng sẽ được học Tiếng Anh, thuyết trình, làm việc nhóm, kỹ năng xây dựng hình ảnh bản thân. Đó là những kỹ năng được sử dụng thường xuyên trong môi trường làm việc quốc tế, nhưng nhiều bạn trẻ Việt còn rất yếu.

IMG_9595

Anh Thành Nhân đưa ra lời khuyên, các bạn trẻ Việt muốn đặt bước tới Google, hãy tự tin và chủ động hơn, chuẩn bị cả về kiến thức lẫn kỹ năng và ngoại ngữ. Anh sẵn sàng giúp đỡ, viết thư giới thiệu hoặc tìm người kết nối, giới thiệu cho bất cứ ai có ý muốn vào thực tập tại Google

Chia sẻ dự định trong tương lai, anh Nhân cho biết mình đang lên kế hoạch cho việc trở về Việt Nam bằng việc đầu tư vào các startup giáo dục và nghiên cứu mảng bất động sản.

Toán học giống như móng nhà, muốn đi thật xa thì móng phải thật chắc

Sau phần trò chuyện của diễn giả là phần networking – nơi trao đổi và chia sẻ của sinh viên, mentor FUNiX. Sự có mặt của diễn giả Thành Nhân trong bàn tròn tư vấn khiến không khí thêm “nóng”. Trong lần networking này, lần đầu tiên các bạn sinh viên FUNiX được trải nghiệm yêu cầu khá thú vị từ diễn giả, muốn hỏi phải đứng lên xếp hàng – một quy tắc phổ biến ở Google. Mỗi câu hỏi, theo diễn giả chỉ nên giới hạn trong khoảng 20 từ.

Trả lời câu hỏi “muốn được tăng thu nhập có nhất thiết phải chuyển việc?” – mentor Nguyễn Vũ Hưng cho rằng hãy làm công việc mình yêu thích và đam mê. Khi đó, bạn có động lực cải tiến công việc và có thêm nhiều thành tựu hơn, tăng mức lương của mình. Thực tế nhà tuyển dụng cũng không thích những ứng viên nhảy việc quá nhiều.

Với câu hỏi, nên phát triển bản thân thế nào sau khi ra trường, anh Nguyễn Thành Nhân cho rằng mỗi cá nhân ngoài chuyên môn cần cố gắng phát triển khả năng chịu trách nhiệm và biết xin lỗi khi làm sai. Điều đó tạo nên uy tín của bạn trong công việc.

Một xter đặt câu hỏi, trình độ Toán học ảnh hưởng như thế nào đến khả năng phát triển sự nghiệp của lập trình viên, anh Thành Nhân cho rằng, trong bất cứ lĩnh vực nào, nhất là Công nghệ thông tin, thì Toán học là “gốc” – là cái “móng nhà”. “Nếu móng nhà của bạn yếu, chỉ xây được cho nhà cấp 4, thì bạn không thể xây được nhà cao tầng, xây lên là sẽ đổ” – diễn giả ví von.

Buổi networking còn nhiều câu hỏi thú vị, xoay quanh kinh nghiệm trở lại Việt Nam của du học sinh, kinh nghiệm đưa ra offer lương để thu hút nhân tài…

Mai Phương

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!